Chương 2 - Cô Út Chạy Trốn Ngày Cưới
Tôi mừng rỡ vì không phải đi bộ, vội leo lên xe.
Qua gương chiếu hậu, tôi thấy cô đang từng bước quay về làng.
Chiếc ba lô to như vậy, chắc chắn trong đó có mang đồ ngon cho tôi.
Lên đến trấn, tôi mua một hộp thuốc cảm, bước đi nhẹ tênh leo lại xe về nhà.
Vừa vào đến sân, cô đang ngồi một mình trên ghế đơn, ông bà thì ngồi ghế đôi, ba người mặt ai cũng căng thẳng.
Thấy tôi về, bà giật ngay hộp thuốc từ tay tôi, trợn mắt:
“Không đến lượt mày xen vào chuyện người lớn, mau về phòng làm bài tập!”
Cô nhìn tôi cười dịu dàng:
“Lộ Lộ, cô mang cho cháu mấy món ngon. Lát nữa cô đem vào phòng cho cháu, giờ cứ đi học bài trước nhé.”
“Vâng.” Tôi lững thững quay về phòng, sau lưng lập tức vang lên một trận cãi nhau kịch liệt.
Một mình cô út đối đầu hai người, lời nào nói ra cũng sắc bén, rõ ràng, không hề lùi bước.
Ông tôi, với tư thế gia trưởng, phả khói mù mịt, bóng gió trách mắng cô bất hiếu.
Bà tôi thì khóc lóc, la lối, vỗ đùi chửi rủa, nói cô là đồ vong ân bội nghĩa.
Tôi đang nghe đến đoạn gay cấn thì bà đẩy cửa phòng tôi ra:
“Con chết tiệt, giờ nào rồi mà còn chưa nấu cơm! Muốn để tao chết đói hả?”
Tôi vội buông bút, băng qua phòng khách đi vào bếp.
Cô ngồi trên ghế đơn, một tay chống đầu, trông có vẻ mệt mỏi.
Khi tôi đang bận rộn trong bếp, tiếng cãi nhau ngoài phòng khách đột nhiên ngừng lại, chỉ còn lại tiếng thủy tinh vỡ loảng xoảng — sau đó là một khoảng lặng dài đến rợn người.
Lúc tôi bưng đồ ăn từ bếp ra thì chẳng thấy ông và cô út đâu cả.
Bà đang cầm chổi quét nhà, dưới đất đầy mảnh kính vỡ.
“Bà ơi, cô cháu đâu rồi ạ?”
Bà vừa quét vừa nói, không buồn ngẩng đầu:
“Nó về phòng nghỉ rồi, mày rảnh thì đừng có làm phiền nó.”
Tôi nhìn mâm cơm bày trên bàn: “Cô không ăn cơm luôn ạ?”
Bà lườm tôi một cái:
“Mày quan tâm làm gì? Nó muốn ăn thì ăn, không ăn thì thôi.”
Cả ngày hôm đó, cô út không bước ra khỏi phòng.
Tôi hơi thấy lạ — chẳng lẽ tâm trạng cô tệ đến mức không muốn cho tôi đồ ăn ngon nữa à?
Sang ngày hôm sau, tôi vẫn không thấy cô.
Lúc ăn sáng, tôi hỏi:
“Bà ơi, cô cháu đâu rồi? Không ăn cơm suốt vậy, lỡ đói thì sao ạ?”
Bà dùng đũa gõ mạnh lên mu bàn tay tôi, tôi rụt tay lại, tủi thân gần phát khóc.
“Ăn cũng không bịt được cái mồm mày lại à?” – giọng bà đầy khó chịu.
Tôi cúi đầu, vừa húp cháo vừa lau nước mắt.
Lúc đang phơi quần áo ngoài sân, tôi chợt nhìn lên lầu hai thì thấy một ô cửa sổ — bên trong là tấm kính chi chít những thanh gỗ bị đóng chặt.
Đó là phòng của cô út.
Tôi chạy đến gần cửa sổ phòng khách liếc nhìn thử — ông đang xem tivi, bà mặt mày rạng rỡ, đang gọi điện cho bạn thân.
Tôi rón rén trốn sau bức tường nghe lén.
“Chị Hồng à, để em nói chị nghe, con bé Tiểu Hoa nhà em sắp lấy chồng rồi đó!
Tiền sính lễ là hai trăm ngàn đấy!”
Cô út mới về hôm qua giờ đã sắp lấy chồng rồi sao?
Tôi chết sững, tiếp tục dán tai vào tường nghe trộm.
“Ấy, chú rể là thằng con trai thứ hai nhà lão Vương ở thôn bên ấy mà — cái thằng đầu óc có hơi chậm ấy.
Chậm thì sao? Nó thương vợ là được!
Nhà người ta lại có điều kiện, Tiểu Hoa nhà em mà lấy nó thì đúng là phúc mười phần luôn!”
Không biết đầu dây bên kia nói gì mà bà tôi cười sảng khoái, ngả người trên ghế sofa.
“Không muốn à? Nó mà có quyền lựa chọn à?
Tôi nói mình bị bệnh, lừa nó về nhà, rồi nhốt vào phòng, bỏ đói hai ngày là ngoan ngoãn liền.
Giờ tôi đã cho nó nhịn đói một ngày rồi, trong phòng chỉ để lại một cốc nước có pha thuốc ngủ, thích thì uống, không thì thôi.
Ngày mai bên thông gia tới đón dâu bằng xe cưới, áo cưới chuẩn bị sẵn rồi, nhét nó lên xe là xong chuyện!”
Bà bắt chéo chân, cười nói:
“Tôi làm thế này là vì muốn tốt cho nó thôi.”
Câu đó nghe thật ghê tởm.
Nếu thật sự là vì tốt cho cô, thì sao phải lừa cô quay về?
Ông bà tôi trọng nam khinh nữ, chẳng mấy khi yêu thương cô út, cũng không thích tôi.
Cô út từ nhỏ đã là đứa bị ghẻ lạnh trong nhà. Bố tôi được ăn trứng, được ăn thịt, còn bát của cô chỉ toàn canh trong nước lã.
May mà bố tôi là người tốt, trước mặt ông bà thì im lặng, không phản đối.
Nhưng sau lưng, hễ kiếm được tiền là lại mua đồ ăn ngon cho cô, nhờ vậy mà cơ thể cô út mới khoẻ lên được đôi chút.
Ban đầu, ông bà định để cô học hết cấp hai là bắt nghỉ học đi làm, kiếm tiền phụ giúp gia đình.
May mà cô út học giỏi, đậu được vào trường cấp ba trọng điểm — không chỉ được miễn học phí mà còn nhận học bổng hằng năm, thế là ông bà mới từ bỏ ý định cho cô nghỉ học.
Lúc cô lên đại học, ông bà không chịu bỏ tiền đóng học phí hay chu cấp sinh hoạt.
Cô đành đi vay vốn sinh viên, tiền sinh hoạt cũng do cô tự làm thêm mà có.
Khi ấy, bố tôi mới đi làm được vài năm, chẳng có bao nhiêu tiền, còn phải đưa về phụ giúp gia đình, nên cũng không giúp được gì nhiều.
Dù vậy, cô vẫn rất biết ơn bố, nên đối với bố mẹ tôi — và cả tôi — cô lúc nào cũng hết lòng thương yêu.
Hễ có dịp lễ Tết là cô lại mua quà cho cả ba người trong nhà tôi.
Tốt nghiệp xong, cô ở lại thành phố nơi mình học đại học, tìm được công việc, và đã gồng gánh mười mấy năm để trụ lại đó.
Năm ấy, khi bố mẹ sinh tôi, chính sách kế hoạch hoá gia đình còn rất nghiêm.
Ông bà tôi đã bàn bạc rất lâu, định bỏ tôi đi, hoặc đem cho người ta, để bố mẹ tôi còn có thể sinh thêm một đứa con trai.
Là cô út đã giữ tôi lại.
Cô kiên trì thuyết phục bố mẹ tôi, còn đưa tiền cho họ để họ yên tâm mà nuôi tôi khôn lớn.
Nếu không có cô, có lẽ tôi đã thành một hồn ma vất vưởng từ lâu rồi.
Tôi ngồi xổm dưới chân tường, ngẩng đầu nhìn lên ô cửa sổ trên lầu hai bị đóng kín bởi những tấm ván dày đặc, trong lòng âm thầm thề:
Cô ơi, cô chờ cháu nhé. Cháu nhất định sẽ cứu cô ra ngoài.
Sau bữa trưa, bà tôi ra ngoài đánh bài, ông thì ngồi trong phòng khách hút thuốc lào, mắt dán chặt vào cầu thang từ tầng hai xuống tầng một.
Tôi cầm cây lau nhà, nói với ông:
“Ông ơi, con lên phòng ông bà lau dọn một chút nhé.”
Ông rít một hơi thuốc lào rồi nói:
“Ừ, đi đi.”
Lúc lau sàn, khi tôi đi ngang qua tủ quần áo – nơi bà giấu tiền, tay cầm cây lau siết chặt lại.
Tôi chỉ có một cơ hội duy nhất – lấy được chứng minh nhân dân của cô út.
Một tay tôi cầm cây lau, một tay lặng lẽ mở cánh tủ ra. Hộp đựng tiền của bà đặt ở tầng dưới cùng của tủ.
Hộp không khoá, chỉ cài hờ bằng một cái móc nhỏ. Tôi mở ra, nhanh chóng lục tìm bên trong nhưng không thấy thẻ căn cước của cô đâu.
Tôi sốt ruột lắm, tay run run lục đi lục lại vẫn không thấy.
Cây lau bị đổ xuống đất, tôi cúi xuống nhặt thì vô tình đá trúng hộp tiền — đáy hộp lộ ra một mảnh màu khác thường.
Tôi nhìn kỹ lại — may quá! Bà để chứng minh nhân dân của cô dưới đáy hộp, khi hộp bị lệch một chút thì thẻ lộ ra một góc, nhờ đó tôi mới nhìn thấy được.
Tôi vội thò tay lấy ra. Xác nhận đúng là thẻ của cô út, tôi liền nhét nó vào túi áo trong, vác cây lau ra ngoài.
“Ông ơi, con lên trấn mua ít đồ dùng học tập, nhà mình còn cần gì mua không, con mua luôn thể.”
Ông liếc tôi một cái, chẳng nói chẳng rằng. Tôi biết ông không ưa tôi, mà thật ra tôi cũng chẳng thích ông.
“Không cần gì đâu. Đừng tiêu bậy bạ, mua xong về sớm nấu cơm.”
“Con biết rồi.”
Vừa bước ra khỏi nhà, tôi liền bước như bay.
Đường ba cây số, tôi vừa chạy vừa đi, chưa đến nửa tiếng đã tới trấn.